Làm thương hiệu doanh nghiệp Bất Động Sản

Những năm gần đây, tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp trong ngành Bất động sản nói nhiều về thương hiệu, nhiều chương trình chuyên đề thương hiệu được tổ chức. Ai cũng hiểu rằng thương hiệu là một tài sản vô hình to lớn của doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành bất động sản thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra giá trị cho từng dự án đầu tư. Nhưng khi làm thương hiệu thì nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản lại không biết bắt đầu tư đâu, làm như thế nào.
Thật thiếu sót nếu như chúng ta chưa làm rõ khái niệm của thương hiệu trong ngành bất động sản mà bắt tay vào làm thương hiệu, doanh nghiệp trong ngành bất động sản nên hiểu rằng thương hiệu là tất cả sự cảm nhận của người tiêu dùng hay khách hàng mục tiêu về dự án (sản phẩm) hay tên của doanh nghiệp mình. Như vậy để người tiêu dùng cảm nhận tốt và đúng với định vị mong muốn của doanh nghiệp là cả một quá trình đầu tư lâu dài của từng doanh nghiệp. Nhưng không phải chúng ta xây dựng thương hiệu là có được thương hiệu mạnh trong tâm trí khách hàng, mà thương hiệu chỉ tồn tại khi và chỉ khi được người tiêu dùng khách hàng, giới đầu tư xác nhận.
“Vậy xây dựng thương hiệu doanh nghiệp bất động sản bắt đầu từ đâu?”. Tôi đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp chúng ta nên hiểu rằng xây dựng thương hiệu bắt đầu từ chính hoài bảo và ước mơ của chủ thương hiệu. Một doanh nhân có hoài bảo lớn, có ước mơ sở hữu thương hiệu mạnh, thương hiệu mang tầm vóc toàn cầu là bước đầu cho sự thành công trong quá trình xây dựng thương hiệu. Và xin đừng nghĩ rằng chuyện xây dựng thương hiệu là việc của giám đốc thương hiệu hay một nhân viên chuyên trách nào đó trong doanh nghiệp, mà phải là tất cả mọi người, trong đó lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quyết định.
Một khách hàng khi bước vào sàn giao dịch bất động sản, chắc hẳn họ không gặp được chủ doanh nghiệp, vì chủ doanh nghiệp không phải là người trực tiếp làm việc với khách hàng, vậy làm thế nào để thương hiệu công ty được thể hiện đúng với mong muốn của chủ thương hiệu ?. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào công tác triển khai của từng doanh nghiệp.
Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bất động sản dù ngân sách đầu tư cho hoạt động marketing không nhiều nhưng vẫn có thương hiệu tốt trong tâm trí người tiêu dùng. Những thương hiệu như Sacomreal, Vạn Phát Hưng, Phát Đạt, Thảo Loan… đã khẳng định được thương hiệu của mình qua từng dự án đầu tư. Như vậy làm thương hiệu không phải là quảng cáo hay những khuyến mãi hoành tráng, mà là làm tốt những điểm tiếp xúc của thương hiệu đối với khách hàng mục tiêu. Hệ thống tiếp xúc của một thương hiệu trong ngành bất động sản đối với khách hàng mục tiêu có thể được hiểu gồm hai phần: phần cứng và phầm mềm. Phần cứng của thương hiệu bất động sản là hệ thống nhận diện do chúng ta thiết kế ra để truyền thông thương hiệu cho nhất quán và chuyên nghiệp từ màu sắc thương hiệu cho đến thông điệp của thương hiệu. Phần cứng trên như một chiếc áo bên ngoài của thương hiệu, chiếc áo đẹp, có yếu tố khác biệt sẽ tạo ra sự nhận biết tốt. Nhưng thương hiệu vẫn không có được chổ đứng trong tâm trí người tiêu dùng nếu như chúng ta thiếu phần mềm được đầu tư huấn luyện đó là nụ cười nhân viên, là những cam kết thực hiện hợp đồng, là những chương trình chăm sóc khách hàng, là cách ứng xử của doanh nghiệp, nói chung là yếu tố con người.
Việc đầu tiên làm thương hiệu là công tác định vị. Tùy thuộc vào điểm mạnh, nguồn lực của từng doanh nghiệp bất động sản mà chúng ta có cách định vị khác nhau. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải sáng suốt để chọn vị trí của mình trong tâm trí người tiêu dùng so với các đơn vị cạnh tranh. Khi nhắc đến Phú Mỹ Hưng là cao cấp, chuyên nghiệp. Khi nhắc đến Đất Lành là tiện lợi và bình dân, thì khi nhắc đến thương hiệu của doanh nghiệp bạn, khách hàng nghĩ như thế nào?. Trong quá trình định vị thương hiệu bất động sản chủ thương hiệu phải biết hy sinh, không ôm đồm, phải nhất quán và trung thành. Không thể hôm nay thế này, ngày mai lại thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tính hy sinh được thể hiện ở chỗ khi chúng ta chọn lựa vị trí cao cấp, phải từ bỏ phân khúc bình dân trong cùng một thương hiệu sản phẩm.
Một điều khác, khi làm thương hiệu chủ thương hiệu nên hiểu rằng cơ sở của thương hiệu là sản phẩm (căn hộ, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại,…). Sản phẩm tồi là cách nhanh nhất để làm mất thương hiệu trên thị trường, nhưng sản phẩm không phải là tất cả. Tư duy của người làm thương hiệu thường nhận thức rõ thương hiệu là phạm trù rộng lớn hơn sản phẩm (nếu nói thương hiệu Phát Đạt là “chuyên gia thiết kế môi trường sống hiện đại và tiện nghi”, thì căn hộ The EverRich là một sản phẩm). Do vậy khi xây dựng thương hiệu, người lãnh đạo quan tâm đến tất cả các vấn đề của doanh nghiệp đặc biệt là khía cạnh con người.
Nhiều doanh nghiệp vẫn mơ ước mỗi nhân viên tại sàn giao dịch là một đại sứ cho thương hiệu của mình. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu người lãnh đạo biết triển khai các chương trình thông hiểu nội bộ. Sếp cần tổ chức nhiều buổi chia sẽ tầm nhìn cho nhân viên, không quên tổ chức huấn luyện về thương hiệu cho tất cả mọi người trong doanh nghiệp. Từng vị trí công việc của doanh nghiệp phải hiểu được vai trò của họ trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu. Nhân viên phải có ý thức được rằng mỗi một ứng xử không khéo trong quá trình giao dịch có thể làm tổn thương đến thương hiệu.…

Những lỗi thường gặp khi xây dựng thương hiệu tại Việt Nam:

  1. Chủ thương hiệu chưa có tư duy xây dựng và phát triển thương hiệu.
  2. Đồng hóa giữa xây dựng thương hiệu và quảng cáo sản phẩm.
  3. Chưa có hệ thống nhận diện nhất quán phù hợp với chiến lược phát triển.
  4. Chưa chú trọng đến yếu tố con người phục vụ cho chiến lược phát triển
  5. Nhiều doanh nghiệp vội vàng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu mà quên đầu tư cho sản phẩm (dịch vụ)
  6. Thiếu chiến lược đối thoại cho thương hiệu, những thông điệp truyền thông không được chuẩn bị chu đáo.
  7. Thiếu định vị rõ ràng cho thương hiệu, thể hiện thương hiệu có tính ôm đồm, thiếu tính hy sinh trong thương hiệu.
  8. Cấu trúc cây thương hiệu không hợp lý làm giảm hiệu quả hoặc làm tổn thương những thương hiệu đã thành công.

Viết một bình luận