Đường đến trái tim người tiêu dùng

Đường đến trái tim Người tiêu dùng

Có nhiều cách để chuyển tải thông điệp của doanh nghiệp thông qua các hoạt động marketing, bán hàng, hệ thống nhận diện thương hiệu… Tuy nhiên, có một cách mang nhiều ý nghĩa cảm xúc nhưng ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đó là gởi thông điệp thương hiệu đến khách hàng thông qua các hoạt động tài trợ xã hội.

Gây thiện cảm!

Một doanh nhân rất thành công trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu tại TP. HCM đã phát hiểu: “Làm thương hiệu đơn giản là để cho người ta thương nhãn hiệu của mình”.
Đúng vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, chủ thương hiệu không chỉ biết quan tâm đến khách hàng mục tiêu, mà còn phải quan tâm cả cộng đồng xã hội. Thương hiệu nào có ý thức đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, bao gồm khách hàng mục tiêu, sẽ tạo ra tình cảm tốt đẹp trong xã hội. Nhờ có sự tác động tích cực tổng lực của cộng đồng, nhóm khách hàng mục tiêu sẽ quyết định ủng hộ mua sản phẩm nhanh hơn.
Những ngày qua, ai trong chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng khi đọc những dòng tin trên báo viết về Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo Việt Nam và Công ty sữa Vinamilk phối hợp ra mắt Quỹ một triệu ly sữa vì trẻ em nghèo Việt Nam. Nhờ Vinamilk, sẽ có khoảng 50.000 trẻ em nghèo Việt Nam có sữa uống miễn phí trong 10 ngày.
Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa giới thiệu Future Fist, chương trình hỗ trợ tài chính cho trẻ em đường phố. Chương trình này kéo dài 5 năm với tổng trị giá hỗ trợ lên đến 10 triệu đô-la Mỹ.
Qua Future Fist, hình ảnh thương hiệu HSBC một lần nữa lại xuất hiện như những người biết quan tâm và chia sẻ vì sự phát triển của cộng đồng.

Tìm kiếm sự ủng hộ

Hàng năm, các doanh nghiệp có phòng PR hoạt động chuyên nghiệp đều có một kế hoạch PR khá bài bản. Họ đưa ra những chương trình tài trợ xã hội mong muốn và kế hoạch hành động để đạt tới mục tiêu.
Người làm công tác tài trợ của doanh nghiệp lập kế hoạch dựa trên những chiến lược marketing và PR mang tính định hướng. Đặc biệt, họ quan tâm đến khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm tới để các thông điệp truyền thông tác động đúng nơi, đúng chỗ.
Hoạt động tài trợ khác với hoạt động từ thiện xã hội. Khi làm từ thiện, người ta thường không quan tâm đến quyền lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài trợ rất quan tâm đến hiệu quả của truyền thông.
Tài trợ ngày nay không đơn giản chỉ được hiểu là phải trả một khoản tiền để được quyền hiện diện tên và logo của doanh nghiệp trong các sự kiện được tổ chức. Đó còn là một chiến lược của thương hiệu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng, của giới truyền thông.
Đó là lý do mà nhiều công ty đã đầu tư khoản tiền khổng lồ cho hoạt động này. Hoạt động tài trợ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình ảnh thương hiệu, do đó doanh nghiệp phải chuẩn bị tương ứng về nguồn lực, các biện pháp đo lường đánh giá và thực hiện tài trợ.
Vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 hàng năm, hàng nghìn thiếu nhi thành phố sẽ có dịp vui chơi thoả thích trong lễ hội “Chia niềm vui – Nhân hạnh phúc”. Chương trình này do công ty Dutch Lady Việt Nam tổ chức.
Dưới cái nhìn của người viết, có thể nói tài trợ là một trong những hoạt động quan trọng tạo ra điểm nhấn của thương hiệu Dutch Lady so với các đối thủ cạnh tranh.

Kết nối thương hiệu

Không giống như các chương trình quảng cáo, khuyến mãi hay PR thông thường, tài trợ xã hội chứng minh một cách hiểu và một cách làm khác của chủ thương hiệu. Họ muốn kết nối thương hiệu với hàng triệu trái tim cộng đồng trong đó có khách hàng mục tiêu.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng cách này bởi ngân sách đầu tư cho tài trợ xã hội không quá lớn so với các hoạt động marketing khác.
Mỗi chương trình tài trợ giống như một câu chuyện chia sẻ cuộc sống, mang đến một sự quan tâm ấm áp của cộng đồng dành cho nhau. Điều này lại càng phù hợp với văn hóa biết chia sẻ của người Việt Nam.
Một trong những chương trình tạo sự chú ý hằng năm đối với các em nữ sinh phổ thông trung học trên toàn quốc là Thắp Sáng Ước Mơ Xanh của công ty Dệt May Thái Tuấn.
Chương trình này như một lời hẹn của lòng nhân ái, thiết tha với sự nghiệp trồng người của đất nước.
Công ty Dệt May Thái Tuấn đã xây dựng Thắp Sáng Ước Mơ Xanh thành một chương trình truyền thống. Qua 5 năm thực hiện, hơn 5.000 bộ vải áo dài đã trao tặng đến các em nữ sinh vượt khó học giỏi, chắp cánh cho những ước mơ và là nguồn động viên không nhỏ giúp các em tự tin bước vào năm học mới. Thông qua những hoạt động như vậy Thái Tuấn được các em nữ sinh yêu mến và đón nhận sản phẩm mỗi khi vào mùa tựu trường.
Hoạt động tài trợ xã hội có lợi thế là những thông điệp được truyền đạt trực tiếp và đến với khách hàng mục tiêu cụ thể hơn. Nhờ đó, thương hiệu cũng dễ tạo ra cảm xúc đối với khách hàng.
Tài trợ xã hội còn là phương cách hiệu quả để tạo dư luận tốt cho thương hiệu. Nếu quảng cáo để tăng độ nhận biết cho nhãn hiệu và kích thích bán bàng, thì các hoạt động PR, trong đó có hoạt động xã hội, mới làm khách hàng hiểu được tính cách của thương hiệu.
Tài trợ vẫn được những chuyên gia marketing xem như bệ đỡ cho hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng, tạo ra sự tin yêu, đồng cảm của giới truyền thông. Điều này cùng một số hoạt động Marketing sẽ giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp có được ủng hộ rộng rãi của khách hàng.
Hoạt động tài trợ cộng đồng có khả năng giúp doanh nghiệp ngăn chặn và vượt qua những sóng gió khi khủng hoảng thương hiệu xảy ra. Một khi đã có được niềm tin của xã hội thông qua những cuộc tài trợ cộng đồng, doanh nghiệp có thể cứu vãn uy tín và giữ gìn nguyên vẹn hình ảnh của mình.
Hoạt động này còn mang lại một lợi ích khác rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi gặp bất lợi về ngân sách trong cuộc chạy đua quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Tuy không chi nhiều tiền cho những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, nhưng các thương hiệu như Võng xếp Duy Lợi, Bánh Như Lan, Giấy Vĩnh Tiến vẫn giành được thiện cảm và sự yêu mến của người tiêu dùng nhờ những hoạt động tài trợ cộng đồng.
Như vậy, hiệu quả do hoạt động tài trợ xã hội mang lại rất rõ ràng. Nhưng sử dụng nó như thế nào để đem lại lợi ích cao nhất vẫn là thách thức lớn cho những người làm PR.
Quan trọng nhất, những người làm PR cần phải hiểu tài trợ cộng đồng không phải là để bán hàng hoặc mang tính nhất thời. Nó phải nằm trong một chiến lược dài hơi, một chiến lược chạm đến trái tim của người tiêu dùng!

Việc cần làm khi thực hiện tài trợ xã hội!

– Hoạt động tài trợ phải nằm trong chiến lược phát triển thương hiệu. Kế hoạch tài trợ dựa trên những định hướng phát triển thương hiệu. Nên xem xét cơ hội tài trợ có phù hợp với ngành hàng, sản phẩm, khách hàng mục tiêu hay không.
– Cụ thể hóa các mục tiêu tài trợ. Phải đặt ra mục đích của việc tài trợ. Nếu có nhiều mục tiêu, hãy xác định mục tiêu chính. Nếu doanh nghiệp không tập trung vào mục tiêu cụ thể có thể dẫn đến hiệu quả kém.
– Có ý tưởng cho việc tài trợ. Không phải tài trợ là cho tiền, đây là sự sáng tạo. Phải nghĩ ra cách mang lại lợi ích cho cộng đồng để xã hội tin yêu doanh nghiệp. Người làm PR chủ động viết kịch bản, hợp tác với các đơn vị truyền thông và đối tác để đưa thông điệp thương hiệu của mình vào đúng trọng tâm.
– Bổ sung công cụ PR và marketing kèm theo. Ngân sách đầu tư sẽ không dừng lại ở số tiền tài trợ mà chính là tổng ngân sách đầu tư. Việc tài trợ quy mô nhưng quảng bá không tốt thì hiệu quả sẽ kém đi rất nhiều.
– Cần lường trước rủi ro. Sẽ có rủi ro tiềm ẩn khi tài trợ cho một chương trình. Tuy nhiên, bạn phải lường trước được các rủi ro này.
– Nên có người làm PR chuyên nghiệp. Một số doanh nghiệp do chưa có nhân viên PR chuyên trách, các hoạt động tài trợ xã hội đã giao cho phòng hành chánh, điều này không thích hợp. Hãy để một đơn vị PR chuyên nghiệp giúp bạn!

Viết một bình luận