[Theo BizLIVE]
Linh hồn của BrainMark và chuỗi thương hiệu giáo dục BMG (Business Management Group) chính là Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược Công ty BrainMark, người tiên phong biến doanh nhân thành giảng viên, biến doanh nghiệp thành giảng đường, biến việc làm thành việc học…
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược Công ty BrainMark |
Cái tên BrainMark và slogan “Đưa thị trường vào lớp học” đã đồng hành cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân suốt nhiều năm qua, từ thủa thị trường còn sơ khai đến hôm nay, khi mà sự học đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh doanh.
Tốt nghiệp đại học kinh tế TP.HCM năm 1998, đang có một công việc đầy hứa hẹn ở công ty Dệt Thái Tuấn, lý do nào khiến anh quyết định khởi nghiệp năm 25 tuổi, rẽ ngang sang lĩnh vực tư vấn, đào tạo marketing, cho thuê marketers (chuyên gia tiếp thị) từ rất sớm, khi cạnh tranh thị trường còn sơ khai?
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đi làm ở Thái Tuấn. Thái Tuấn lúc đó chưa có thương hiệu gì hết. Nhiệm vụ của tôi là lập phòng marketing, đưa thương hiệu Thái Tuấn vào cuộc sống. Từng tham gia bán hàng để hiểu thị trường, học cách chinh phục khách hàng mục tiêu, tôi hiểu bên cạnh giá trị sản phẩm còn là giá trị cảm xúc. Quý III năm 1998, chúng tôi đưa thương hiệu Thái Tuấn ra thị trường, và được đón nhận rất tốt. Từ đó tôi hiểu thương hiệu là câu chuyện mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.
Đăng ký tham gia nhiều khóa đào tạo ở Singapore, Úc… về xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu địa phương, thương hiệu doanh nghiệp. Làm thế nào khiến khách hàng phải trả thêm tiền cho một thương hiệu với những giá trị tích cực: thấy hài lòng hơn, thấy hạnh phúc hơn, đó là trách nhiệm của phòng marketing. Nhưng thời đó, rất ít doanh nghiệp tập trung phát triển thương hiệu, tìm hiểu nhu cầu tiềm ẩn trong người tiêu dùng, trong đó giá trị cảm xúc là quan trọng nhất. Tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia các hội thảo về thương hiệu… từ đó thấy cần một công ty tư vấn để giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu. Cùng John Martino, một chuyên gia thương hiệu và 22 cộng sự gồm các giám đốc marketing và giám đốc thương hiệu các tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi đã lập ra BrainMark.
Thời đó sơ khai nên có nhiều việc để làm lắm. Chúng tôi thay nhau điều hành, năm nay người này giảng dạy thì người khác đi làm thuê. Hiểu doanh nghiệp Việt mục đích thì lớn nhưng năng lực đội ngũ, tài chính, tầm nhìn còn hạn chế, từ đó đưa ra giải pháp kinh doanh. Kiếm tiền trước rồi kiếm tiếng sau, mỗi sản phẩm tung ra phải có giải pháp tài chính trước rồi mới đến giải pháp thương hiệu.
Khi tư vấn, chuyển giao các giải pháp kinh doanh, lại nảy ra vấn đề ai là người ở lại để phát triển giải pháp đó. Nếu không có người thường trực cùng họ phát triển thì giải pháp sẽ tàn lụi, từ đó BrainMark có thêm chức năng mới: cho thuê marketer. Khi thị trường bùng nổ, thiếu marketer ghê gớm, giải pháp bền vững là mở trung tâm đào tạo. Năm 2006, chúng tôi cùng kết hợp với tổ chức VSIC của Singapore, họ lo cơ sở vật chất, còn mình lo chương trình đào tạo và giảng viên, để đào tạo cho Việt Nam một thế hệ marketing mới hiểu được thị trường, hiểu đặc thù của doanh nghiệp. Thời đó mô hình này phát triển rất tốt nhờ kết hợp kiến thức từ Singapore, Úc, Canada, soi chiếu với thực tiễn của Việt Nam, đúc kết thành chương trình đào tạo. Ê kíp sáng lập và đội ngũ giảng viên 90% học ở nước ngoài, có làm tại công ty đa quốc gia và công ty Việt Nam ít nhất 5 năm, hiểu thị trường, có tư duy tốt… Chúng tôi triển khai 16 lớp học marketing, PR, sales cùng một lúc… BrainMark tự hào là người tiên phong mang thị trường vào lớp học từ rất sớm, theo kiểu mô hình hóa, có kệ sản phẩm, có những câu chuyện cụ thể để đào tạo chuyên môn.
Nhưng sự hợp tác với VSIC chỉ kéo dài được ba năm, sau đó chia tay. Cuộc chia tay này khiến anh mất cũng nhiều?
Do đối tác có chiến lược rút khỏi thị trường Việt Nam, chuyển sang Trung Quốc, khiến mình chới với, đòi tiền cũng rất khó khăn, mất khá nhiều công sức. Nhưng cái được là những bài học quý về phương pháp quản lý mang tính giáo dục cao, giáo cụ đào tạo bên Singapore chuyển giao rất tốt, nhất là phương pháp điều hành doanh nghiệp nhẹ nhàng, chuyên nghiệp, hiệu quả. Và cái còn lại lớn nhất là niềm tin của khách hàng, thị trường vẫn còn nguyên. Chúng tôi tiếp tục phát triển BrainMark và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành.
Năm 2009, tức là đúng 10 năm sau, anh lại khởi nghiệp lần thứ hai với công ty cổ phần quốc tế BMG?
Tôi lại tiếp tục đi học nước ngoài một lần nữa để bổ sung kiến thức, bắt đầu một cuộc chơi mới với BMG. Lặn lội đi học các chương trình đào tạo digital marketing cho trào lưu mới, tham gia hàng loạt các khóa học ngắn hạn để bổ sung kiến thức cho chính mình và dịch vụ đào tạo. Lần khởi nghiệp này thì tôi chỉ có một mình nên vất vả lắm. Có nhiều thú vị vì tính chủ động cao trong các điều hành, quyết định rất nhanh, nhưng thiếu sự hợp tác của đồng đội, phải tận dụng nguồn lực bên ngoài. Đó cũng làm lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Nếu cảm thấy mình thiếu gì hãy đi nước ngoài học hỏi thêm, giao tiếp, bổ trợ cho hoạt động kinh doanh, hợp tác về quản lý, kỹ năng điều hành với những chuyên gia mà không cần họ phải tham gia góp vốn.
Bằng cách này, BMG đã thay đổi theo hướng đào tạo rộng hơn để hỗ trợ kinh doanh như đào tạo nhân sự, tài chính. Được nhiều người biết đến là “Nơi đào tạo marketking thực tiễn nhất Việt Nam” tôi điều chỉnh lại là “Nơi đào tạo kiến thức kinh doanh thực tiễn nhất”. Giảng viên 100% là doanh nhân, học viên sau khi học trở thành giảng viên, mọi người học hỏi lẫn nhau… Học viên học xong, có kiến thức, mình đưa họ vào luôn các dự án tư vấn để cọ xát thực tế, xử lý tình huống ngay cho doanh nghiệp, từ đó lập ngay kế hoạch phát triển nhân sự, marketing. Đến giờ, chứng chỉ của BMG đã trở nên rất quen thuộc với doanh nghiệp, trở thành nhịp cầu trung gian giữa doanh nghiệp và đào tạo.
Là người đam mê đào tạo, nhưng ông lại rất “thính” với thị trường, khi quyết định khởi nghiệp lần thứ ba với Innoland?
Năm 2008-2009 tôi đang làm giám đốc marketing cho Công ty Bất Động sản Phát Đạt, thấy thị trường bất động sản phát triển rất nóng, nhưng rất sơ khai về marketing, tôi “đánh hơi” thị trường rất tiềm năng này, và mở ngay Innoland, phục vụ PR và marketing, sales cho các công ty bất động sản. Innoland lập tức có những khách hàng lớn như Phú Mỹ Hưng, Nam Long, Phát Đạt, Dệt may Phong phú, khu Linh Đàm…
Thực ra đó là một mảng mới. Mỗi dự án BĐS tung ra thông thường chủ đầu tư trăn trở nên làm gì? Cắt lô bán nền hay xây dựng nhà phố, cao tầng? Giá bán bao nhiêu? Làm chiến lược truyền thông thế nào cho phù hợp? Innoland sẽ trả lời cho doanh nghiệp tất cả các câu hỏi đó, từ nghiên cứu thị trường, chính sách phân phối, truyền thông… nếu không có người mình trực tiếp đào tạo, chuyển giao. Mỗi gói kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Phí tư vấn tùy theo từng trường hợp, quy mô doanh nghiệp, mong muốn của từng lãnh đạo.
Theo anh, doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng chi trả cho phí đào tạo, tư vấn, và coi đó là khoản đầu tư?
Hiện doanh nghiệp đã ý thức bỏ tiền đào tạo phát triển đội ngũ, nhưng chỉ dừng lại ở các công ty lớn, còn công ty vừa và nhỏ chưa ý thức được đó là đầu tư. Công ty nước ngoài có sẵn ngân sách đào tạo hàng năm, mỗi quý có bao nhiêu chương trình đào tạo. Các công ty Việt Nam chủ yếu làm tư vấn chứ không làm đào tạo, chưa thiết kế chương trình đào tạo riêng, mà chủ yếu cử nhân viên đi học chương trình đào tạo chung.
Khó khăn về quản lý, về giải pháp kinh doanh để phát triển hệ thống hướng đến hiệu quả. Lãnh đạo thường sa vào giải quyết sự vụ nhiều hơn, từng nhân viên không hiểu sếp muốn gì, cứ loay hoay, điều hành rất cực. Đó là điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tất cả các suy nghĩ của sếp phải được soạn ra để viết thành chính sách, quy định, quy trình hướng dẫn công việc cho từng nhân viên, từng phòng ban. Nếu có mục tiêu, có chiến lược hẳn hoi thì nhân viên cứ thế mà làm, sếp đi chơi thoải mái. Sếp nào còn cực quá là hệ thống quản lý có vấn đề.
Đến thời điểm này, thị trường đào tạo, tư vấn doanh nghiệp đang trở nên bão hòa, quảng cáo không đi cùng với chất lượng, nạn ăn cắp bản quyền diễn ra tràn lan… làm thế nào để anh kiên định với con đường mình đã chọn?
Tính bản quyền của chương trình đào tạo, quyền tác giả là vấn đề tôi rất quan tâm. Việc nhái chương trình, các công ty copy lẫn nhau, nhiều nơi nhái hoàn toàn một cách trắng trợn mà các cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm soát được.
Quan điểm của tôi là nổi tiếng hay nhiều người biết về cá nhân tôi không quan tâm. Dù khách hàng của mình rất nhiều, nhưng tôi luôn xuất hiện với tư cách của tổ chức. Sống trong tổ chức, lo cho nhiều người, KPI của tôi là một năm mang lại bao nhiêu kiến thức cho bao nhiêu học viên, làm được bao nhiêu dự án cho doanh nghiệp, làm cho bao nhiêu doanh nghiệp thành công, đó mới là thành tích cho cá nhân.
Tốc độ phát triển của BrainMark rất nhanh, với 70 chuyên gia, 18.920 học viên được đào tạo, làm được hơn 500 dự án về tư vấn, mức độ tăng trưởng bình quân 50-70% /năm. Tôi cứ âm thầm làm, chỉ CEO là hiểu mình. CEO là bạn của mình mà mình làm cho họ không vui, dự án của họ không phát triển là mình sẽ thất nghiệp. Chừng nào doanh nghiệp không cần phát triển chiến lược là tôi thất nghiệp.
Tư vấn là nghề không dễ làm. Khó đầu tiên là phương pháp của đơn vị tư vấn có khả năng đáp ứng được các doanh nghiệp Việt Nam không? Vì tính thích nghi, năng lực điều hành của doanh nghiệp Việt không giống nước nào hết. Vấn đề đầu tiên phải có giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn phát triển. Phải lo sửa đổi trước, điều chỉnh trước khi đưa giải pháp mới vào.
Thứ hai phải hiểu nhu cầu tiềm ẩn của ông chủ, đó mới là đối tượng chính. Nhu cầu tiềm ẩn có thể khác với điều ông ấy nói, đó là trách nhiệm của người tư vấn, cái đó cần sự trải nghiệm.
Thứ ba là phải hiểu văn hóa người Việt và văn hóa doanh nghiệp, vô môi trường nào phải sống môi trường đó mới tư vấn được.
Công ty tư vấn có công cụ, có nguồn lực, có khảo sát, nghiên cứu, có cái nhìn khách quan, thường là sáng hơn do họ đứng bên ngoài. Lời khuyên với CEO nếu “không làm được thì thuê”, “không làm được thì thôi” công ty rất chậm phát triển. Rất nhiều giải pháp từ công ty tư vấn không cần trả tiền vẫn có được, để giảm chật vật trong điều hành doanh nghiệp.
Đến giờ này dường như anh vẫn còn nguyên niềm say mê với công việc đào tạo doanh nhân?
Giống như mình sinh ra để làm nghề này. Say mê khi thấy nhãn hàng mà mình tư vấn đang tụt dốc được hồi sinh khi mình làm cho nó chiếc áo mới, đẩy ra thị trường, tăng trưởng, đó là niềm vui lớn nhất trên đời. 10 năm nay tôi được tham dự họp hành với nhiều doanh nghiệp khác nhau mỗi tuần, sau thời gian tư vấn, thấy doanh nghiệp lớn lên rất nhiều. Mỗi tuần tôi chỉ ngồi ở công ty một buổi thôi, còn sáng ở Phú Mỹ Hưng, chiều ở Saigon Food, mai lại ở Coteccons… Sau những giờ đi đến doanh nghiệp, tối lại đi đến trung tâm đào tạo, chia sẻ với học viên.
Vừa điều hành doanh nghiệp, vừa tư vấn, vừa đào tạo, CLB giảng viên doanh nhân do tôi sáng lập với thông điệp “chia sẻ là hạnh phúc”. Nhiều anh chị doanh nhân vô cùng bận rộn nhưng buổi tối vẫn tất bật đến trường, có khi chỉ kịp ăn ổ bánh mì rồi vô lớp. Niềm vui cuối cùng là chia sẻ, chia sẻ tiền bạc cho xã hội, còn chia sẻ kiến thức cho đồng đội.